Chật vật thu hồi nợ vay tiêu dùng

Nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng cao nhưng việc xử lý, thu hồi nợ lại gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, một bạn đọc của Báo Người Lao Động phản ánh chị đang có khoản vay tiêu dùng tại công ty tài chính nhưng liên tục bị bên thứ 3 là công ty thu hồi nợ nhắn tin cho người thân, nơi làm việc của chị để đòi nợ. Dù vậy, bạn đọc này cũng thú thật là hiện tại không có khả năng trả khoản nợ nói trên.

Bùng nợ ngày càng nhiều

Ở góc độ các công ty tài chính, họ cũng rất đau đầu vì tình trạng nợ xấu tăng cao nhưng đòi không dễ, chưa kể tình trạng bùng nợ, xù nợ… ngày càng nhiều. Thống kê sơ bộ, nợ xấu cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính tính đến ngày 30-9 đã tăng hơn 10%, là tỉ lệ rất cao, cá biệt có công ty lên tới 20%.

Theo số liệu được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) công bố mới đây, cho vay tiêu dùng của 16 công ty tài chính tính đến ngày 30-9 giảm gần 68.000 tỉ đồng so với cuối năm ngoái, trong khi nợ xấu lại nhảy vọt.

Tài chính tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen. Nhưng từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, nhất là phân khúc của các công ty tài chính, sụt giảm rất mạnh. Nguyên nhân được các công ty tài chính nêu ra là “cho vay nhưng không thu hồi nợ được, thậm chí là bị xù nợ”.

Cả công ty tài chính và các ngân hàng đều đang rất khó khăn trong thu hồi nợ vay tiêu dùng.

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro Công ty Tài chính FE Credit, nêu một thực trạng là các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đang đối mặt với “hoạt động bùng nợ có tổ chức” hoặc một bộ phận khách hàng cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ì trả nợ.

Thậm chí, có tình trạng khách hàng cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, khủng bố ngược tinh thần nhân viên thu hồi nợ. Tình trạng này đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong 2 năm qua.

Lãnh đạo của FE Credit dẫn chứng nếu năm 2019 và 2020, công ty chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung thì năm 2022 và 2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận.

“Với tỉ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm cả FE Credit, bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao” – ông Marcin Figlus nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, cũng thừa nhận nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao ngoài những yếu tố khách quan còn do khách hàng cố tình không trả nợ.

Người trước khuyên người sau không trả nợ; các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội nhưng chưa có chế tài xử lý.

“Hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng, của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Có công ty phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng để tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh” – ông Hùng lo ngại.

Sòng phẳng cả cho vay, trả nợ

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, không chỉ công ty tài chính mà ngân hàng (NH) thương mại cho vay tiêu dùng cũng “đau đầu” trong xử lý, thu hồi nợ. Tại một sự kiện mới đây, đại diện NH TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nêu thực trạng một số khách hàng vay tiêu dùng dù mức dư nợ không lớn nhưng khi một khoản vay phát sinh nợ xấu cũng ảnh hưởng đến phân loại nợ theo chính sách của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

Một số khách hàng vay vốn cố tình chây ì không trả nợ đúng hạn, không hợp tác bàn giao tài sản để NH xử lý theo thỏa thuận, buộc Agribank phải thông qua cơ quan tòa án để xét xử theo quy định của pháp luật nhưng thời gian xử lý thu hồi nợ lại kéo dài.

Tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dư nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm khoảng 30.000 tỉ đồng, chiếm gần 8% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân. Tỉ lệ nợ xấu phân khúc này khoảng 1%, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái là 0,91%.

Tỉ lệ không lớn nhưng số lượng khoản vay lên đến hàng ngàn khiến công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn và mất nhiều nguồn nhân lực để thực hiện.

“Chúng tôi muốn bán các khoản nợ này nhưng không thực hiện được vì không có bên mua, chủ yếu do quy mô khoản vay nhỏ và không có tài sản bảo đảm. NH cũng không thể thuê các dịch vụ thu hồi nợ bên ngoài vì Luật Đầu tư cấm loại hình doanh nghiệp này” – đại diện BIDV nói.

Theo các chuyên gia, để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, quan trọng nhất là phải phổ cập tài chính cho người dân, hạn chế tín dụng đen, sự sòng phẳng của người cho vay và người trả nợ. Ngoài ra, cần tháo gỡ những bất cập trong khâu thu hồi nợ.

Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh làm sao để giảm bớt loại hình kinh doanh bất hợp pháp đang nở rộ, lấn át công ty tài chính chính thức. Đây là vấn đề mà NH Nhà nước rất quan tâm, mục tiêu là để duy trì được sự tăng trưởng của tổ chức tín dụng, ngăn chặn tín dụng đen, củng cố và nâng cao niềm tin của thị trường.

Theo Thái Phương – Người Lao Động

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *