Nở rộ nhiều chiêu thức lừa đảo tài chính tinh vi

Gần đây, xuất hiện hiện tượng nhiều chuyên gia, thậm chí là các tổ chức tài chính bị giả mạo hình ảnh, tên tuổi… để kêu gọi đầu tư, lừa đảo chuyển tiền.

Ngày 10/07/2023, Bộ Công an phát thông tin cảnh báo về 3 nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng ở Việt Nam. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64.78% so với cùng kỳ năm trước và tăng 37.82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ Công an cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.

Các hình thức lừa đảo gồm: lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video deepfake, deepvoice; lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân của nạn nhân đang cấp cứu; lừa đảo tuyển người mẫu nhí; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (Bảo hiểm xã hội, ngân hàng…).

Bên cạnh đó là các hình thức: lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo “bẩn” trên Facebook; lừa đảo cho số đánh đề.

Theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định do nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

Mạo danh chuyên gia tài chính

Một trường hợp cụ thể là chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, bị dùng hình ảnh để kêu gọi đầu tư.

Hình ảnh ông Phan Dũng Khánh và một số tổ chức tài chính bị dùng để lừa đảo

Một số đối tượng dùng hình ảnh của ông Phan Dũng Khánh để đăng trên các trang mạng xã hội nhằm mời chào nhà đầu tư vào các hội, nhóm chứng khoán, đầu tư hoặc bán các sản phẩm, dịch vụ tài chính, hứa hẹn lợi nhuận cao, thậm chí bao lời, bao lỗ.

Vị chuyên gia cho rằng, việc dùng hình ảnh của người nổi tiếng trong giới tài chính chỉ là phụ. Người bị chịu thiệt nặng nhất là người nghe theo những hứa hẹn về lãi suất, những cam kết lợi nhuận 1 lời 10, 10 lời 100 mà các đối tượng lừa đảo đưa ra.

Ông Khánh còn chia sẻ thêm, trường hợp các đối tượng dùng công nghệ deepfake để tư vấn bằng hình ảnh giả mạo chuyên gia, nhằm tăng độ tin cậy để chiêu dụ nhà đầu tư.

Một chuyên gia khác đề nghị giấu tên cho biết, không chỉ hình ảnh cá nhân của ông bị sử dụng mà tổ chức nơi ông đang làm việc cũng bị mạo danh. Thậm chí các đối tượng còn đưa ra các sản phẩm mạo danh dưới danh nghĩa công ty, dù các sản phẩm này không hề được công ty công bố.

Để cảnh báo nhà đầu tư, ông Phan Dũng Khánh cho rằng mấu chốt không phải là hình ảnh của các chuyên gia mà chính là dùng hình ảnh chuyên gia để tư vấn các gói đầu tư, đánh vào khoản lợi nhuận 1 lời 10, dùng sản phẩm đó mang lại khoản lợi nhuận cao.

Còn nhớ, sự kiện một số văn nghệ sĩ quảng cáo cho các sản phẩm tiền ảo đã từng làm dậy sóng dư luận cách nay 2 năm. Khi đó, nhiều nghệ sĩ được thuê quảng bá cho các sản phẩm tiền ảo. Hiện nay công nghệ hiện đại hơn, công việc hình ảnh những người có chuyên môn trong giới tài chính dễ dàng tìm được trên internet thì việc mạo danh, giả hình ảnh càng dễ dàng. Do đó, ông Khánh khuyên các nhà đầu tư cần cảnh giác với những hứa hẹn mang lại lãi cao như thế và cần xác nhận lại với nơi đưa ra các nội dung đó (cá nhân và tổ chức) để tránh giả mạo, đồng thời sử dụng số điện thoại thông thường thay vì gọi qua các phần mềm chat.

Mạo danh ngân hàng, cơ quan quản lý

Ngày 03/07 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát cảnh báo về tình trạng giả mạo văn bản của UBCKNN, lừa đảo nhà đầu tư về việc đăng ký thành lập quỹ đại chúng cho Quỹ Đầu tư SAC CAPITAL VN với vốn điều lệ là 2 tỷ đồng; mệnh giá chứng chỉ quỹ là 10,000 đồng; số lượng chứng chỉ quỹ là hơn 9.8 triệu.

UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch.

Đến ngày 12/07, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng thông cáo về việc nhà đầu tư phản ánh bị các đối tượng lừa đảo mạo danh VSD kêu gọi tham gia ký kết hợp tác đầu tư. Các đối tượng đã sử dụng hình ảnh con dấu và cắt ghép chữ ký lãnh đạo VSD để làm giả văn bản, lừa đảo nhà đầu tư. VSD đang tìm hiểu thông tin và sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Câu chuyện mạo danh ngân hàng nhắn tin lừa đảo đã không còn xa lạ, tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện thủ đoạn tinh vi hơn từ phía các đối tượng mạo danh ngân hàng. Ngày 10/07, Techcombank (TCB) cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ giả mạo cuộc gọi video deepfake.

Theo Techcombank, thời gian gần đây nổi lên công nghệ giả mạo cuộc gọi video deepfake tinh vi mà nếu không cảnh giác, rất có thể khách hàng sẽ trở thành “nạn nhân” tiếp theo của chiêu trò lừa đảo này.

Bằng những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng không gian mạng để thực hiện nhiều hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền và tài sản của rất nhiều người.

Techcombank cho biết, cuộc gọi video deepfake lừa đảo thường thực hiện theo 3 bước, như: Bước 1, sử dụng thuật toán để tái tạo lại khuôn mặt và giọng nói phù hợp với nét mặt, biểu cảm để giả mạo người thân/bạn bè/đồng nghiệp hoặc giả mạo cán bộ nhà nước/công an/Viện kiểm sát…; Bước 2, thực hiện cuộc gọi thoại/video với hình ảnh giọng nói như người thật (thông qua các ứng dụng như Facebook Messenger/Zalo/Viber…); Bước 3, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền/lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân/tài khoản ngân hàng.

Techcombank cũng lưu ý khách hàng cách phân biệt cuộc gọi video deepfake như: thời lượng cuộc gọi rất ngắn – chỉ vài giây, ngắt máy giữa chừng với lý do mất sóng, sóng yếu…; biểu cảm trên khuôn mặt, cử động có nhiều điểm lạ thường, thiếu tự nhiên, không nhất quán giữa hướng đầu và cử động trên cơ thể; tóc, màu da và khuôn mặt có vẻ mờ hơn so với môi trường xung quanh, ánh sáng trong video thường không phù hợp bối cảnh; âm thanh có thể không khớp với khẩu hình miệng, có nhiều tiếng ồn trong video hoặc video không có âm thanh.

Để phòng tránh tổn thất và bảo vệ bản thân khỏi các hình thức lừa đảo này, Techcombank khuyến cáo khách hàng luôn cảnh giác với yêu cầu từ cuộc gọi/SMS/email không xác thực, đặc biệt là các yêu cầu chuyển tiền, cài đặt/kích hoạt/nâng cấp dịch vụ; kiểm tra tính xác thực của các yêu cầu bằng cách liên hệ trực tiếp đến các kênh chính thức của công ty viễn thông, ngân hàng, cơ quan Nhà nước.

Các ngân hàng luôn đưa ra khuyến cáo với khách hàng là ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP/CVV, mã pin, số thẻ qua điện thoại, SMS hay bất cứ website/mạng xã hội nào.

Mới đây, Tổng Cục Thuế cũng có khuyến cáo người nộp thuế cẩn trọng trước các thủ đoạn lừa đảo.

Hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện quảng cáo các dịch vụ trực tuyến về những tên miền, App giả mạo cơ quan thuế được các đối tượng xấu thiết lập và sử dụng với mục đích lừa đảo về việc ủy quyền đóng thuế; mua bán hóa đơn bất hợp pháp;…

Đáng chú ý, hiện tượng các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động mà còn sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu để gửi tin nhắn giả mạo nhằm thực hiện thủ đoạn phát tán tin nhắn lừa đảo người dùng truy cập các App giả mạo cơ quan thuế.

Điển hình, một số đối tượng giả danh công chức thuế gọi điện cho người dân hướng dẫn truy cập vào đường link “gdtgov.cfd” tải App giả mạo Tổng Cục Thuế để cập nhật Căn cước công dân vào hồ sơ đăng ký kinh doanh. Có trường hợp các đối tượng giả danh cơ quan thuế để yêu cầu nộp thuế thu nhập cá nhân…

Cơ quan thuế khẳng định không ủy quyền cho bất cứ công ty hoặc cá nhân ngoài ngành Thuế nào thực hiện thu thuế hộ (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh). Vì vậy, để tránh tình trạng lừa đảo khi thực hiện giao dịch với cơ quan thuế hoặc thực hiện các nghiệp vụ về thuế, người nộp thuế có thể liên hệ các đầu mối của Cục Thuế, Chi cục Thuế trên địa bàn để được hỗ trợ qua số điện thoại được niêm yết trên trang Thông tin điện tử của các Cục Thuế.

Nguồn: VGP

| Cầm đồ Lạng Sơn| Cầm đồ tại Lạng Sơn| Cầm đồ Uy tín tại Lạng Sơn| Cầm đồ nhanh| Vay tiền Lạng Sơn|

| Hỗ trợ Tài chính Lạng Sơn| Cho vay tiền mặt nhanh| Vay tiền nhanh tại Lạng Sơn| Vay tiền mặt tại Lạng Sơn| Kiến thức Tài Chính|

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *